CPU là bộ não thì mainboard chính là xương sống kết nối mọi linh kiện thành một khối thống nhất.
Cùng Huy Khánh Computer tìm hiểu các thông số kỹ thuật mainboard cần biết nhé!
Có lẽ rất nhiều anh em khi build PC chỉ chú ý tới CPU, card màn hình cũng như RAM mà quên mất rằng mainboard (bo mạch chủ) cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nó chính là bảng mạch liên kết tất cả linh kiện cùng các thành phần ngoại vi thành một bộ máy hoàn chỉnh. Mainboard có chức năng điều khiển tốc độ các luồng dữ liệu giữa các thiết bị cũng như phân phối điện áp cho các linh kiện được gắn trên nó
Chính vì vậy nên mainboard có ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu năng của máy tính và có khả năng tương thích với một số linh kiện nhất định. Hãy cùng Huy Khánh Computer giải mã những thông số kỹ thuật mainboard quan trọng nhé!
1. Kích cỡ
Thông số kỹ thuật mainboard đầu tiên phải để ý đến chính là kích cỡ. Các loại mainboard được dùng phổ biến gồm mATX (micro-ATX), ATX và EATX (Extra-ATX). Ngoài ra còn có mainboard mini ATX và XL-ATX.
Tuỳ thuộc vào nhu cầu của anh em muốn build chiếc PC có cần nhiều khe cắm mở rộng hay không mà lựa chọn mainboard thích hợp vì kích thước hầu như không ảnh hưởng đến hiệu năng của mainboard. Chỉ khác là mainboard lớn hơn thì có nhiều khe DIMM và PICe hoặc thêm các thanh tản nhiệt.
2. Đế cắm CPU (Socket)
Đế cắm CPU là một thành phần cơ học cung cấp kết nối giữa bộ vi xử lý và bảng mạch in (PCB). Điều này cho phép CPU có thể tháo rời và thay thế mà không phải hàn chết vào mainboard. Nếu mainboard có ghi LGA 1200 thì bo mạch chủ này chỉ hỗ trợ các CPU có cùng socket là LGA 1200.
3. Chipset
Đây là thiết bị phần cứng quan trọng thứ hai trong máy tính, chỉ sau CPU. Chipset được gắn liền trên mainboard, là một tập hợp các thành phần điện tử trong một mạch tích hợp quản lý luồng dữ liệu giữa bộ xử lý, bộ nhớ và thiết bị ngoại vi.
Chipset có vai trò là trung tâm giao tiếp điều khiển việc truyền tải dữ liệu giữa các phần cứng với nhau. Chip set bao gồm chip cầu Bắc và chip cầu Nam.
Chip cầu Bắc phụ trách các hoạt động của những thiết bị quan trọng như CPU, card đồ hoạ, RAM… Trong khi đó Chip cầu Nam có nhiệm vụ thực thi các việc có tốc độ chậm trong bo mạch chủ. Chip cầu Nam không trực tiếp kết nối với CPU mà thông qua chip cầu Bắc.
4. Khe cắm RAM
Thông số kỹ thuật mainboard này cho biết số lượng thanh RAM tối đa mà mainboard hỗ trợ cùng chuẩn DDR và Bus của RAM. Tuỳ thuộc loại mainboard mà có hỗ trợ đa kênh khác nhau như Dual Channel, Triple Channel hay Quad Channel.
5. Khe cắm mở rộng
Tuỳ vào các kích cỡ khác nhau mà mainboard sẽ có số lượng khe cắm mở rộng khác nhau. Hầu hết các bo mạch chủ hiện nay sử dụng các khe cắm PCIe để kết nối với linh kiện khác.
PCI Express (PCIe) là một cổng giao tiếp thay thế cho PCI trước đây và có tốc độ nhanh hơn nhiều, được dùng cho các card mở rộng và card đồ họa. Có bốn chuẩn PCIe là 1.0, 2.0, 3.0 và 4.0, ngoài ra phiên bản mới nhất là 5.0 cũng đã ra mắt nhưng chưa được sử dụng phổ biến. Nó là nền tảng cho công nghệ Thunderbolt thường được dùng trên các thiết bị ngoại vi.
Với mỗi chuẩn PCIe khác nhau sẽ lại có kích cỡ vật lý khác nhau là x1, x4, x8 và x16. Các kích cỡ cổng PCIe càng lớn sẽ cho số chân kết nối càng nhiều, tốc độ truyền dữ liệu giữa thiết bị và hệ thống sẽ càng nhanh. Các kết nối này được gọi là làn (lane), với mỗi làn PCIe sẽ có hai cặp tín hiệu, một cho việc gửi và một để nhận dữ liệu.
6. Khe cắm ổ cứng
Các bo mạch chủ phổ biến đều sở hữu các khe cắm SATA với tốc độ 6 Gb/s và NVMe. Riêng các khe NVMe còn tuỳ thuộc vào loại ổ cứng SSD có các chân cắm khác nhau nên thường mainboard sẽ ghi thêm thông số này.
7. Cổng SATA
Serial ATA (SATA) là giao tiếp bus máy tính kết nối bộ điều hợp bus chủ với các thiết bị lưu trữ chung như ổ đĩa cứng và ổ đĩa quang. Serial ATA thay thế tiêu chuẩn AT Attachment cũ hơn (Parallel ATA hay PATA).
SATA có ưu điểm giảm kích thước và chi phí cáp (bảy dây dẫn thay vì 40 hoặc 80), truyền dữ liệu nhanh hơn, tốc độ tín hiệu cao hơn thông qua giao thức I/O (Input/Output). Phiên bản SATA 1.0, 2.0 và 3.0 tương ứng mang lại tốc độ truyền tải là 1.5Gbit/s, 3.0Gbit/s và 6.0Gbit/s.
8. Hỗ trợ đồ họa tích hợp
Các mainboard này chỉ hỗ trợ các CPU có card đồ họa tích hợp (on board) với kết nối HDMI và DisplayPort. Một thông tin thú vị cho anh em là có một số mainboard có tích hợp ngay card đồ hoạ (thay vì ở trên CPU) nên anh em có thể sử dụng được luôn mà không cần cắm card màn hình.
9. Chipset âm thanh
Chipset âm thanh chứa bộ xử lý DAC để chuyển đổi tín hiệu điện tử thành analog. Sở dĩ cần tới DAC bởi bộ phận khuếch đại tín hiệu âm thanh (amply) chỉ nhận tín hiệu dạng analog, trong khi các tập tin nhạc số lại lưu trữ dưới dạng tín hiệu điện tử.
10. Kênh âm thanh
Thông số kỹ thuật mainboard này thể hiện số kênh âm thanh được hỗ trợ bởi bo mạch chủ. Đầu ra âm thanh càng có nhiều kênh thì âm thanh càng chân thực và hay hơn.
Do chức năng kết nối các linh kiện nên các bo mạch chủ thường có rất nhiều cổng kết nối (USB, DisplayPort, HDMI, âm thanh, mạng…) cho phía sau của máy tính. Anh em nào build PC có nhu cầu về làm nhạc, livestream, làm phim… nên để ý số cổng kết nối với loa cũng như màn hình để tránh những phiền toái không đáng có.
Và đó là tất cả những thông số mainboard quan trọng cần chú ý khi anh em muốn build PC. Hãy đến ngay Huy Khánh Computer để lựa chọn được mainboard ưng ý cho chiếc PC của mình nhé!
Trả lời